Giới thiệu

Một dự án của

Gabriele Della Pepa + Andrea Elena Febres Medina + Caterina Ghio + Francesca Granzotto + Paola Rondi + Elena Stefani
@Density Design, Final Synthesis Design Studio, Tháng 1 năm 2020

MỞ ĐẦU

Thông tin sai lệch và thông tin giả mạo bằng hình ảnh lan truyền như thế nào?

Trong thế kỷ 21, rất nhiều phần mềm chỉnh sửa hình ảnh đã ra đời. Thời gian, chi phí và kỹ năng không còn là trở ngại: bất cứ ai cũng có thể dễ dàng học cách tạo ra những bức ảnh thuyết phục.

Hơn nữa, ngày nay hình ảnh được liên kết chặt chẽ với thông tin. Các bài báo và bài đăng trên mạng xã hội thường đi kèm hình ảnh để thu hút sự chú ý của độc giả.

Vì những lý do này, thông tin sai lệch và thông tin giả mạo bằng hình ảnh có thể được lan truyền trên khắp các nguồn tin tức trực tuyến và mạng xã hội thường xuyên hơn cũng như thuyết phục hơn. Việc nhìn thấy những nội dung đã bị xuyên tạc để lợi dụng niềm tin của mọi người hoặc ảnh hưởng đến quyết định hoặc hành động của họ không còn là một điều lạ lẫm. Một ví dụ từng gây tổn thất xã hội to lớn là tấm bản đồ gây tranh cãi của Trump về đường đi của cơn bão Dorian:



Sau khi bị chỉ trích vì đưa ra cảnh báo không chính xác vào cuối tuần rằng Alabama có thể bị ảnh hưởng bởi cơn bão Dorian — ngay cả sau khi các nhà khí tượng học của chính phủ đưa ra ý kiến phản đối — vào hôm thứ Tư, Tổng thống Donald Trump đã giơ lên một bản đồ với một đường vẽ màu đen trên đó thể hiện rằng có vẻ ông đã đúng. […] Bản đồ mà ông trưng ra có thêm một điểm mà không có trong bản đồ do Trung tâm Bão Quốc gia công bố: thứ trông có vẻ như một hình bán nguyệt được vẽ thêm vào “đường đi báo bão hình nón” cho thấy tác động dự kiến của cơn bão - mở rộng hình nón này đến tiểu bang Alabama. […] Hành vi cố ý phát hành hoặc công bố bất kỳ thông tin dự báo thời tiết giả mạo nào sai với dự báo chính thức do các cơ quan chính phủ như Cục Dự báo Thời tiết Quốc gia và Trung tâm Bão Quốc gia ban hành là vi phạm luật liên bang.

Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng, bang Washington, ngày 4/9/2019. @Jonathan Ernst/Reuters.

Đọc toàn bộ bài báo tại đây.


Hình ảnh bị xuyên tạc có thể làm thay đổi và ảnh hưởng đến quan điểm và trí nhớ của mọi người. Ngay cả khi có thông tin đính chính nhằm phơi bày hình ảnh giả mạo, trong hầu hết các trường hợp, những hình ảnh giả mạo được chia sẻ rộng rãi hơn thông tin đính chính và mọi người không thể nhìn thấy bối cảnh thực sự.

Các trò lừa bằng hình ảnh

Những trò lừa bằng hình ảnh có thể được tạo ra với mục đích khác nhau, nhưng đều gây hại như nhau. Và trong khi nhiều người tin rằng vấn đề chính nằm ở hình ảnh đã qua chỉnh sửa, thì trên thực tế ngày càng có nhiều phương pháp xuyên tạc tinh vi hơn.
Thông tin sai lệch xảy ra khi thông tin sai được chia sẻ một cách không chủ ý. Thông tin giả mạo là khi ai đó tạo ra thông tin giả và chia sẻ có chủ ý nhằm mục đích thao túng mọi người. Thuật ngữ ‘giả’ không phản ánh mức độ phức tạp của cả hai loại thông tin này. Để hiểu được điều gì đang diễn ra, chúng ta cần phân tích ba loại thông tin sai lệch và giả mạo:

Hình ảnh bị chú thích xuyên tạc — Hình ảnh thực nhưng gây hiểu lầm với những chú thích mô tả sai lệch về bối cảnh, nguồn gốc hoặc ý nghĩa.

Hình ảnh bị chỉnh sửa — Các chi tiết chính là thật, nhưng một số chi tiết đã được thêm vào hoặc xóa đi để thay đổi ý nghĩa của hình ảnh.

Hình ảnh bị cắt xén — Hình ảnh đã bị cắt xén để thay đổi ý nghĩa ban đầu và bối cảnh thật.

CÁC CHỦ ĐỀ CHÍNH

Chúng ta tiếp nhận thông tin bằng hình ảnh trên mạng như thế nào?


Liệu chúng ta có tin tưởng vào thông tin chúng ta bắt gặp trên mạng hay không, điều này phần nào phụ thuộc vào quan điểm của chúng ta. Để tiết kiệm thời gian và công sức, chúng ta xử lý dữ kiện dựa trên các dấu vết trên mạng xã hội. Những thông tin như danh tiếng, kỳ vọng, người chia sẻ bài đăng và số lượt thích, tất cả đều ảnh hưởng đến cách chúng ta đánh giá thông tin.

Ai là người công bố thông tin và ở đâu đều là những yếu tố chính ảnh hưởng đến việc liệu đó có phải là nội dung đáng tin cậy hay không. Ví dụ, mọi người có xu hướng cho rằng các tổ chức tin tức đáng tin cậy hơn so với các cá nhân chia sẻ các nội dung trên mạng xã hội. Thêm vào đó, chúng ta có xu hướng tin vào thông tin nếu những người khác cũng vậy.
Sợ bị lạc lõng (Fear of missing out: FOMO) và cái gọi là ‘hiệu ứng đám đông’ có thể khiến mọi người phải suy nghĩ: “Nếu những người khác thích điều này thì mình cũng nên thích nó”. Điều này có thể dẫn đến việc mọi người chia sẻ thông tin mà không chú ý đến nội dung hoặc xác minh liệu thông tin đó có đáng tin cậy hay không.
‘Hiểu biết về truyền thông kỹ thuật số’ là khả năng xác định các đặc điểm của thông tin trực tuyến như người tạo thông tin và những người chia sẻ thông tin và vận dụng kiến thức để xác định xem thông tin có đáng tin cậy hay không. Hiểu cách thức chỉnh sửa ảnh và video kỹ thuật số cũng là một khía cạnh của việc hiểu biết về truyền thông kỹ thuật số.
Thái độ của chúng ta về các vấn đề khác nhau cũng có vai trò nhất định. Mọi người có khả năng tin rằng thông tin là đúng nếu thông tin này xác nhận những gì họ đã tin tưởng, đặc biệt là trong bối cảnh chính trị hoặc các vấn đề thời sự.

MỤC TIÊU

Làm thế nào để giảm bớt tác hại tiềm ẩn của các trò lừa bằng hình ảnh

Mục đích chính của bài kiểm tra tự kiểm nghiệm này là để cho mọi người thấy việc nhận biết một hình ảnh đáng tin cậy hay không khó đến thế nào. Ngoài ra, dự án này cho thấy tại sao mọi hình ảnh đều phải được xem xét cả về nội dung và bối cảnh. Nếu mọi người không chú ý khi lên mạng, họ có thể vô tình phát tán thông tin giả mạo và thông tin sai lệch.

Tất cả chúng ta đều đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thông tin bằng hình ảnh. Bất cứ khi nào chúng ta chấp nhận thông tin một cách thụ động — ví dụ bằng cách chia sẻ một bài viết, hình ảnh hoặc video mà không kiểm tra hoặc đặt câu hỏi về nó — chúng ta đối mặt với các nguy cơ lan truyền nội dung không đúng sự thật hoặc gây hiểu lầm.

Mỗi chúng ta đều có trách nhiệm kiểm tra những gì chúng ta thấy trên mạng. Trò đố vui kiểm tra ngược gợi ý rằng đầu tư vào giáo dục là cách tốt nhất để nâng cao hiểu biết về truyền thông kỹ thuật số và giảm tác hại do thông tin sai lệch và thông tin giả mạo gây ra.

Ứng dụng hóa trò chơi điện tử — sử dụng cách tiếp cận theo phong cách trò chơi để khuyến khích mọi người tham gia vào các vấn đề không đơn giản là trò chơi — được sử dụng ở đây để truyền tải thông điệp này. Khi làm bài kiểm tra, mọi người có thể kiểm tra kỹ năng của mình và chủ động nắm bắt mức độ phức tạp của vấn đề.

KHỞI ĐỘNG

Các công cụ hữu ích để đối phó với trò lừa bằng hình ảnh

Dữ liệu

Thông tin sai lệch và thông tin giả mạo bằng hình ảnh trực tuyến đã và đang phát triển song hành cùng với mạng xã hội. Ngày nay, nhiều thanh thiếu niên và người trưởng thành thích sử dụng những kênh này như nguồn tin tức duy nhất của họ, góp phần phát tán thông tin sai lệch và thông tin giả mạo. Trong giai đoạn đầu của quá trình thiết kế, chúng tôi đã tìm hiểu xem nền tảng nào được sử dụng nhiều nhất ở các địa điểm khác nhau trên thế giới. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về mạng xã hội có ảnh hưởng nhất trên thế giới, hãy truy cập trang web của chúng tôi:

Mạng xã hội theo vùng văn hóa

Thông tin bằng hình ảnh về chính trị hoặc các vấn đề hiện tại có nhiều khả năng gây ra thiên kiến xác nhận hơn — đó là khi chúng ta dễ tin vào điều gì đó hơn vì nó tương đồng với quan điểm của chúng ta. Đối với những sự kiện lớn mang tính toàn cầu và được nhiều người biết đến, thông tin giả mạo bằng hình ảnh đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Để hiểu rõ hơn về điều này, hãy xem dự án nhìn lại của chúng tôi:

Trăm nghe không bằng một thấy
Hãy tìm kiếm trên Google và xem liệu bạn có thể thấy những hình ảnh giả mạo nào liên quan đến các sự kiện diễn ra trong sáu năm qua đã bị lật tẩy và bao nhiêu lần.

Câu hỏi thường gặp và một số mẹo

— Công cụ đơn giản nhất để xác minh nguồn ban đầu của một hình ảnh là gì?
Công cụ Reverse Image Tool Search (Tìm kiếm ngược bằng Hình ảnh) cho phép bạn sử dụng hình ảnh để tìm những hình ảnh có liên quan hoặc tương tự, và các trang web đăng tải những hình ảnh này. Bạn có thể mở tất cả các liên kết có thể có và tìm kiếm nguồn ban đầu.


— Có trang web nào để tôi có thể tham khảo các ví dụ khác về thông tin sai lệch và thông tin giả mạo bằng hình ảnh không?
Có, trang web được sử dụng nhiều nhất cho dự án này là Snopes.com, một ấn phẩm độc lập và là nguồn kiểm tra dữ kiện thực tế.


— Tôi có thể tìm hiểu về các loại thông tin sai lệch và thông tin giả mạo bằng hình ảnh khác nhau ở đâu?
Nếu muốn tìm hiểu thêm về chủ đề này, bạn có thể đọc "Fake news. It’s complicated." (Sự phức tạp của tin giả) của Claire Wardle. Bài viết này mô tả chi tiết các loại nội dung giả mạo, tại sao người ta tạo ra nó và nó được lan truyền như thế nào.


— Đã có nghiên cứu nào được tiến hành về khả năng nhận biết thông tin sai lệch và thông tin giả mạo bằng hình ảnh của mọi người chưa?
Có, cụ thể là bài viết của Cuihua Shen, Mona Kasra, Wenjing Pan Grace A. Bassett, Yining Malloch và James F O'Brien:
"Fake images: The effects of source, intermediary, and digital media literacy on contextual assessment of image credibility online"
(Ảnh xuyên tạc: Tác động của nguồn, trung gian và hiểu biết về truyền thông kỹ thuật số đến đánh giá theo bối cảnh về độ tin cậy của hình ảnh trực tuyến).


— Tôi có thể tìm nguồn của các ảnh được sử dụng trong dự án này ở đâu?
Tải xuống bộ dữ liệu này để nhận danh sách các bài báo mà chúng tôi lấy hình ảnh từ đó.


Dự án của

Della Pepa Gabriele
Febres Medina Andrea
Ghio Caterina
Granzotto Francesca
Rondi Paola
Stefani Elena

Giảng viên

Michele Mauri
Ángeles Briones
Gabriele Colombo
Simone Vantini
Salvatore Zingale

Trợ giảng

Andrea Benedetti
Lea Mara Fabiano
Alessandra Facchin
Beatrice Gobbo
Tommaso Elli
Jacopo Di Iorio
Anna Riboldi